Giỏ hàng hiện tại chưa có sản phẩm nào!
Khám Phá Câu Chuyện Về Lịch Sử Cafe – Hành Trình Chinh Phục Giới Mộ Điệu
Lịch sử cafe cùng hành trình tạo nên bản đồ cà phê thế giới là nội dung tìm hiểu chính của bài viết này, The Local Beans sẽ cùng bạn khám phá câu chuyện về khởi nguồn và mở rộng phạm vi của việc canh tác cà phê. Đồng thời tìm ra nguyên nhân cho việc từ một loại cây dại, cà phê trở thành nguyên liệu hấp dẫn, đủ sức chinh phục cả thế giới, cũng như cách thức di chuyển và phát triển của nó qua nhiều châu lục.
Khởi nguồn lịch sử cafe từ Ethiopia
Qua thời gian, nhiều dị bản về nguồn gốc và việc khám phá ra cà phê xuất hiện càng nhiều. Một trong những truyền thuyết phổ biến nhất, cho rằng cây cà phê hoang dã (cà phê Arabica) là một loại cây bản địa của Kefa (Kaffa, Ethiopia), đã được phát hiện vào khoảng 850 năm sau Công nguyên bởi một người chăn cừu tên Kaldi.
Câu chuyện bắt đầu khi anh thấy đàn dê của mình trở nên tăng động bất thường. Chúng hành động và phản ứng sôi nổi, chạy nhảy không biết mệt mỏi, khiến anh rất bất ngờ. Cuối cùng, Kaldi phát hiện lý do bởi lũ dê đã ăn một loại quả lạ màu nâu đỏ trông giống cherry (chính là quả cafe).
Vì sự tò mò và hứng thú ngày một lớn, Kaldi đã quyết định tự nếm thử loại quả này. Sau khi trải nghiệm cảm giác hưng phấn mà hạt cà phê mang lại, anh đem chúng tới tu viện trong làng, với mục đích xin lời tư vấn từ các thầy tu thông thái. Sau khi xem xét và nghe chuyện từ Kaldi, vị thầy tu đã tức giận ném đống quả vào bếp lửa và cho rằng chúng là hiện thân của cấm thuật cùng quỷ dữ.
Nhưng thật bất ngờ, ngay khi gặp lửa và chín tới, hạt cà phê rang bắt đầu tỏa ra một hương thơm lạ lùng mà mê hoặc. Cả tu viện trở nên hiếu kỳ không chịu nổi, đành dập lửa và đem số quả về “điều tra” lại từ đầu.
Vài ngày sau, họ thử cho chúng vào trong nước nóng, vô tình lại ủ thành cà phê dạng lỏng theo đúng nghĩa đen. Sau cùng, họ quyết định uống thử và nghiên cứu kỹ hơn về tác dụng kích thích não bộ mà thức uống này đem lại. Kể từ đó, các thầy tu quyết định sẽ sử dụng cà phê để tỉnh táo hơn trong khi làm việc và cầu nguyện.
Bắt nguồn tên gọi “Cà phê”
Có một sự thật mà không phải ai cũng nhận ra, “Cà phê” hay “café” trong tiếng Pháp đều không phải danh từ gốc để gọi tên loại hạt này. Chúng đều là từ mượn của “Coffee” ra đời năm 1582 trong tiếng Anh.
Dù vậy, “Coffee” vẫn chưa phải tên gọi đầu tiên để chỉ hạt cà phê. Thực chất, danh xưng cà phê trên thế giới đã trải qua cả một quá trình thay đổi và đan xen giữa nhiều ngôn ngữ. Điển hình như “Coffee” của tiếng Anh là mượn từ “Koffie” của tiếng Hà Lan, “Koffie” trong tiếng Hà Lan là “Kahve” của Thổ Nhĩ Kỳ hay chính “Kahve” cũng là biến thể của từ “Qahwah” thuộc ngôn ngữ Ả Rập.
Như vậy, có thể nói Ả Rập là khu vực đầu tiên nghĩ ra tên gọi cho hạt cà phê. Các quốc gia này nằm tại vùng Trung Đông, được tiếp xúc sớm nhất với nền văn hoá cà phê, sau Ethiopia.
Những cột mốc phát triển của Cafe
Bắt đầu từ Trung Đông
Sau sự kiện phát hiện cây cà phê tại Ethiopia, hạt cà tiếp tục phát triển tại vùng Trung Đông, gồm các quốc gia thuộc Tây Nam Á và Ai Cập. Theo nhiều bằng chứng lịch sử, vào cuối thế kỷ 15, cà phê được đưa từ Ethiopia tới Cộng hòa Yemen (quốc gia nằm tại Nam bán đảo Ả Rập). Sau đó, ngày càng xuất hiện nhiều những chuyến hàng tương tự, cập bến tại cảng Al Mokha của Yemen.
Dần dần, giống cà phê được đưa tới nhiều thành phố khác như Mecca và Cairo (Ai Cập), Medina (Ả Rập), Damascus (Syria), Baghdad (Iraq), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Người dân tại những quốc gia này mau chóng ưa thích và gia nhập hội ghiền cà phê của thế giới.
Từ đó, các quán cà phê đầu tiên được mở ra, với tên gọi chung “Schools of the Wise”, nơi đây hoạt động đơn giản như một địa điểm tụ tập giao lưu của con người. Được ưa thích là vậy, nhưng trong lịch sử từng có một khoảng thời gian tòa án thành phố Mecca (Ai Cập) không đồng ý việc sử dụng cà phê và ban hành sắc lệnh cấm cho toàn bộ cư dân thành phố. Nhưng sau cùng, mọi sự cấm đoán lại bị bác bỏ bởi những lý do liên quan đến tôn giáo phức tạp.
Hành trình tới Châu Âu
1517: Cà phê xuất hiện tại Constantinopolis (Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ )
Mặc dù cà phê đã được biết đến ở Constantinople (kinh đô của Đế quốc La Mã và nay là Istanbul) từ năm 1517, nhưng mãi đến 1554, người dân mới dần quen thuộc với xu hướng kinh doanh quán cà phê. Vào thời gian đó, dưới thời trị vì của Soliman Đại đế – con trai Selim I, hai tiệm cà phê đầu tiên đã được mở tại Damascus và Aleppo, với tên gọi Taktacalah.
Một thời gian sau đó, Rauwolf – một bác sĩ y khoa và một nhà thực vật học nổi tiếng người Đức, đã chính thức nhắc về cà phê dưới dạng văn bản đầu tiên trong chương VIII của Rauwolf’s Travels – tác phẩm được xuất bản bằng tiếng Đức tại Frankfurt và Lauingen vào năm 1582. Trong sách đề cập đến việc bác sĩ sau khi đến Syria và thử loại đồ uống địa phương tên Chaube, đã viết “Họ có một loại đồ uống rất ngon tên là chaube, sẫm màu, đen như mực và trị bệnh rất tốt, nhất là bệnh dạ dày”. Sự kiện này cũng được cho là …
1645: Quán cà phê được mở đầu tiên tại Venice, Ý
Không có một mốc thời gian cụ thể nào để xác định việc sử dụng cà phê lan rộng từ Thổ Nhĩ Kỳ đến các vùng phía tây của châu Âu, nhưng nhiều dữ kiện lịch sử cho rằng chính người Venice đã làm quen từ sớm với cà phê, vì đặc điểm vị trí địa lý giáp ranh và có sự giao thương mạnh mẽ với Levant (một khu vực địa lý quy ước rộng lớn tại Tây Á).
Vào năm 1645, cửa hàng cà phê đầu tiên được mở ở quảng trường San Marco, Venice đã nhận được vô số sự yêu thích của người dân bản địa. Nó thành công đến nỗi một thế kỷ sau, Chính phủ Venice buộc phải tạm ngưng việc cấp giấy phép mở quán cà phê, vì trong thị trấn đã có hơn hai trăm cửa hàng kiểu này. Đây được xem là sự khởi đầu cho danh tiếng cà phê trong khu vực Châu Âu, từ Venice đã có những quán cà phê khác khai trương trên khắp nước Ý bao gồm ở Naples, Rome, Milan, Turin, Florence và Genoa.
1650 tại Oxford và 1652 ở London, Vương quốc Anh
Cửa hàng cà phê đầu tiên của Anh được mở tại Oxford vào năm 1650. Hai năm sau, một người Hy Lạp tên là Pasqua Rosee mang thức uống mới mẻ này đến thủ đô London, mở một cửa hàng ở St Michael’s Alley, Cornhill. Với sự thành công nhanh chóng, nhiều người khác trên khắp nước Anh đã nhanh chóng sao chép và bán loại nước gây nghiện này.
Văn hóa cà phê ở Anh nở rộ mạnh mẽ, với sự xuất hiện của các tụ điểm phục vụ cà phê và nhu cầu giao lưu, trò chuyện. Những địa điểm này thường được gọi với cái tên “Penny Universities” – nơi mà chỉ cần 1 đồng xu (1 penny) là mua được cà phê ngon, đồng thời có cơ hội tham gia các chủ đề nói chuyện đầy tri thức và thú vị.
Trước khi có cà phê, đàn ông thường tụ tập trong các quán rượu để làm ăn và trao đổi ý kiến. Nhưng không hoàn toàn hài lòng với địa điểm này, cộng đồng trí thức thường khó chịu bởi sự ồn ào và cảm thấy giao tiếp không hiệu quả do có bia, rượu. Nên từ ngày “Penny Universities” bắt đầu xuất hiện, cà phê với tác dụng ngăn chặn cơn buồn ngủ cùng một không gian thích hợp cho việc thảo luận kinh doanh, nơi đây đã thu hút đông đảo sự ghé thăm và giao thương của mọi tầng lớp dân chúng.
Phụ nữ thời bấy giờ còn phàn nàn rằng cà phê như một món nhậu thứ 2, đem lại nhiều sự cám dỗ, bởi họ thấy chồng mình chỉ thích ghé quán cafe liên tục. Thậm chí, họ còn mở chiến dịch biểu tình phản đối loại thức uống này, vào năm 1674, để “cứu rỗi” người đàn ông của đời mình.
1671: Paris, Pháp
Cà phê được ghi nhận ra mắt lần đầu tiên tại Paris vào năm 1669 bởi Suleyman Aga – đại sứ của đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) trong thời đại Vua Louis XIV của Pháp. Ông được Mohammed IV cử đến Pháp, đem theo những bao cà phê để giới thiệu cho tầng lớp quý tộc. Cà phê được mô tả như một loại nước giải khát kỳ diệu, với sự hoà quyện của lượng nhỏ đinh hương, hạt bạch đậu khấu và đường.
Bên cạnh đó, một sự kiện khác cũng được xem là bước đầu hình thành xu hướng quán cà phê ở Paris. Vào năm 1671, Pascal – một người Armenia, đã mở một gian hàng uống thử và bán cà phê cùng với sự phục vụ của các chàng bồi bàn gốc Thổ Nhĩ Kỳ, tại hội chợ St. Germain.
Thói quen uống cà phê dần trở nên phổ biến ở thủ đô, Marseilles, Lyons và nhiều tỉnh thành khác của Pháp. Trong tác phẩm “Chuyến du hành đến Ả Rập Hạnh phúc”, La Roque đã viết: “Không ai, từ những công dân tầm thường nhất đến những người có phẩm chất cao nhất, không sử dụng nó (cà phê) vào mỗi buổi sáng hoặc ít nhất là ngay sau bữa tối, việc tặng nó trong tất cả các chuyến thăm đã trở thành phong tục”.
1683: Wien, Áo với sự kiện nổi tiếng Áo thắng Thổ Nhĩ Kỳ và tịch thu được 500 bao cà phê làm chiến lợi phẩm
Lịch sử cà phê Áo có nguồn gốc xuất xứ sâu xa từ chiến trường Vienna vào năm 1683, khi chính quốc bắt tay cùng Đức và Ba Lan đánh bại Đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ cũ). Sau khi thua trận, quân địch rút lui để lại kho cà phê, nhờ đó quân dân Áo tận dụng và tạo ra nhiều phiên bản cà phê thơm ngon khác.
Sự lên ngôi của cafe tại Châu Mỹ
Sau cơn sốt tại châu Âu, danh tiếng hạt cà thơm tiếp tục lan rộng. Nhưng với những luật lệ độc quyền về cà phê ở nhiều nước châu Âu, không dễ để cà phê nhập khẩu vào Châu Mỹ theo cách truyền thống.
Một sĩ quan hải quân trẻ tên Gabriel Mathieu de Clieu người Pháp đã thực hiện nhiệm vụ cao cả này, bằng cách giấu trộm hạt cà phê từ vườn cây của Vua Louis XIV, mang theo bên mình và vận chuyển nó đến Martinique (đảo của nước Pháp nằm ở Lesser Antilles ở phía đông biển Caribe). Ông không hề biết rằng bản thân chính là nhân tố giúp hạt cà phê lan truyền rộng rãi ở nơi đây.
Nhờ Gabriel, cà phê được nhân giống ở Jamaica vào năm 1730, tổ chức canh tác số lượng lớn, được giới thiệu sang nhiều nước khác. Một yếu tố ngoại lai tác động không nhỏ đến sự phát triển của cây cà phê, chính là sự bài xích của người dân châu Mỹ lúc đó với trà Anh, nhằm phản đối chính sách thuế hà khắc từ Anh Quốc. Từ đó, cà phê nhanh chóng trở thành món đồ uống quốc dân, thay thế vị trí của trà, còn trà rơi vào tình cảnh bị kỳ thị gay gắt.
Riêng tại Mỹ, các quán cà phê mọc lên ngày càng đông đúc tại New York, khách hàng đến địa điểm này đa dạng tầng lớp từ chính trị gia, thương gia, khách vãng lai hay người dân bình thường. Tất cả đều có một điểm chung là tò mò và mong muốn được thưởng thức, thậm chí mua bán cà phê nếu có cơ hội. Sau khi thống trị ở Mỹ, cà phê như được tiếp thêm sức mạnh, dần trở thành một trong những thức uống phổ biến hàng đầu thế giới.
Quốc gia đứng đầu về sản lượng cafe – Brazil
Người ta tin rằng cà phê bắt đầu được du nhập và yêu thích tại Brazil vào những năm 1822, nhờ việc buôn lậu qua biên giới, thực hiện bởi một người đàn ông Bồ Đào Nha. Tới năm 1852, Brazil đã trở thành đất nước đứng đầu về sản lượng trồng trọt cà phê và chưa một lần nào đánh mất danh hiệu đó.
Cuối thế kỷ 19, cà phê chính thức trở thành món đồ uống được biết đến, săn đón và nuôi trồng bởi hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới. Vào khoảng thời gian đó, sau dầu thô, cà phê là mặt hàng được tìm kiếm nhiều nhất ở Brazil nói riêng và toàn cầu nói chung.
Lịch sử cafe đã xuất phát từ hơn 1000 năm trước, cho đến giờ vẫn đang phát triển và sáng tạo không ngừng. Chặng đường này chắc chắn sẽ trở nên đa dạng và thú vị hơn nữa trong tương lai, nhờ có sự trợ giúp của kỹ thuật cao và công nghệ tân tiến. Thông qua bài viết, The Local Beans mong rằng đã đem lại nhiều thông tin hữu ích cho quý khách hàng yêu thích hạt cà thơm và mong muốn tìm hiểu về lịch sử thế giới cà phê.
Nguồn tham khảo: