những hạt cà phê trên bản đồ

Bản Đồ Cà Phê Thế Giới: Từ Sơ Đồ Địa Lý Đến Độc Đáo Văn Hóa Cà Phê

Bản đồ cà phê thế giới không chỉ là sơ đồ địa lý những vùng đất gieo trồng cà phê, mà còn là bộ sưu tập đặc sắc về văn hóa cà phê. Hãy cùng The Local Beans nghiên cứu về ngành cà phê và sự đa dạng nguồn gốc của thế giới cà phê nhé.

Sơ lược về cà phê

Cà phê (từ gốc café trong tiếng Pháp) là một loại thức uống sẫm màu chứa hàm lượng lớn chất cafein, được chế biến từ những hạt cà phê được rang thơm, xay mịn và pha ép bằng nước nóng. Vào thế kỷ thứ 9, cây cà phê được phát hiện ở vùng núi Ethiopia, sau đó lan ra Ai Cập, Yemen và tới thế kỉ thứ 15 thì đến Armenia, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ và phía bắc Châu Phi.

Từ vùng đất Hồi giáo, cà phê sang Ý, rồi ghé đến phần còn lại của Châu Âu, Indonesia và Hoa Kỳ. Ngày nay, cà phê đã trở thành một biểu tượng toàn cầu về thức uống, không chỉ là một loại nước giải khát, cà phê còn gắn liền với nền văn hoá các tộc người.

những hạt cà phê đen

Bản đồ cà phê thế giới dựa theo vị trí địa lý

Thế giới hiện có hơn 70 quốc gia canh tác cây cà phê, và gần 1/3 trong số đó xem cà phê là cây trồng nông nghiệp chủ lực. Cây cà phê cho ra giống cà phê tốt nhất khi được trồng ở vùng hội tụ đủ điều kiện thổ nhưỡng, độ cao, khí hậu và thời tiết,… phù hợp. Các nước trồng trọt cà phê phân bố chủ yếu ở 3 khu vực: Nam – Trung Mỹ, Châu Phi và Châu Á. Quý khách hàng hãy đồng hành cùng The Local Beans để khám phá những quốc gia nổi tiếng về cà phê dựa trên bản đồ địa lý từng khu vực nhé!

một phần của bản đồ vành đai cà phê

Khu vực Nam – Trung Mỹ

Hội tụ đủ điều kiện thuận lợi cho hoạt động canh tác cà phê, Nam – Trung Mỹ hiện đang là khu vực cung cấp sản lượng cà phê lớn nhất thế giới. Cà phê thu hoạch tại đây được dân sành cà phê ưa chuộng bởi không chỉ về độ ngon, mà còn là sự hài hòa các tầng vị khi thưởng thức. Cùng điểm qua đặc điểm của cà phê tại một số quốc gia nổi tiếng trong khu vực này nhé: 

  • Cà phê Brazil: Theo nhiều thống kê từ các tổ chức hàng đầu về cà phê, Brazil là quốc gia có hoạt động cung ứng cà phê lớn nhất thế giới trong nhiều thế kỷ. Nhờ khí hậu thuận lợi, Brazil trồng được cùng lúc hai giống cà phê khác nhau là Robusta và Arabica, với chất lượng cà phê đậm đà hương vị trái cây, chua nhẹ, ít đắng, acid thấp và hậu vị ngọt thanh. Vì những lý do đó, không ngạc nhiên khi Brazil có tầm ảnh hưởng nhất định đến thị trường cà phê thế giới.
  • Cà phê Mexico: Là đất nước có chất lượng cà phê nổi bật bởi hương vị sâu và đa dạng. Cà phê Mexico nổi tiếng với hạt Arabica chất lượng cao, mang vị tươi mát và độc đáo. Cà phê được trồng chủ yếu ở các vùng như Chiapas và Oaxaca, là kết quả của sự đan xen phương pháp chế biến truyền thống và bản sắc văn hóa của riêng vùng đất này.
  • Cà phê Guatemala: Cà phê Guatemala nổi danh với vị chua đặc trưng và mùi thơm phong phú. Antigua và Huehuetenango là hai vùng trồng cà phê trên đất đỏ nổi tiếng nhất ở Guatemala, cho ra đời loại cà phê Arabica chất lượng cao được ưa chuộng trên thế giới.
  • Cà phê Costa Rica: Costa Rica là một trong những vùng đất đấu tiên phát triển ngành chế biến cà phê hạt nguyên chất, nhờ sử dụng hiệu quả lợi thế địa hình núi lửa và hệ thống thoát nước lý tưởng. Bên cạnh đó, cà phê địa phương còn nổi tiếng với hương vị quyến rũ và ngọt ngào, pha trộn hài hòa giữa vị ngọt caramel cùng hương cam quýt hay quả mơ chín mọng. Thưởng thức tách cà phê nguyên chất kèm vị chanh tây tươi mát, không còn gì để bàn cãi, đây chính là hiện thân của tinh thần “pura vida” – cuộc sống trong sạch và thanh bình (theo định nghĩa ngôn ngữ địa phương).
  • Cà phê Colombia: Thiên nhiên ưu ái bằng điều kiện tự nhiên và khí hậu đặc biệt phù hợp cho việc trồng cà phê, cây cà phê xứ Colombia không chỉ phát triển tốt mà còn đem lại chất lượng cao được cộng đồng cà phê thế giới yêu thích. Hạt cà Arabica khu vực này mang vị ngọt chủ đạo của chocolate xen lẫn hương thơm trái cây như quả mọng, táo hay vị caramel. Hương cà phê Colombia đôi lúc còn dậy mùi cam quýt thoang thoảng chút gia vị, điều đó khiến hạt cà Colombia trở thành điểm nhấn ấn tượng dành cho những ai say mê nhiều tầng hương vị cà phê mang lại.

Khu vực Nam – Trung Mỹ với nhiều “ông lớn” như Brazil, Colombia, v.v… đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp cà phê thế giới, góp phần củng cố sự đa dạng về hương vị và chủng loại cà phê, cũng như quy mô sản xuất đáng kể cho thị trường quốc tế.

minh hoạ một phần bản đồ cà phê khu vực Nam Trung Mỹ

Khu vực Châu Phi

Là cội nguồn của cà phê, Châu Phi góp phần hình thành và nuôi dưỡng sự phong phú cùng nét độc đáo trong thế giới cà phê. Sự đặc sắc đó là kết quả từ điểm thuận lợi của vị trí địa lý, khí hậu và sự phát triển kinh tế đa dạng ở nơi đây. Thử hỏi mấy ai sành cà phê mà không khỏi mê mẩn và tấm tắc khen ngon khi nếm thử vị cà thơm được tạo hóa ban tặng cho vùng đất này. Beans tin rằng nếu bạn là người yêu thích cà phê, những quốc gia dưới đây chắc chắn sẽ không hề xa lạ:

  • Ethiopia – Điểm khởi nguồn của cà phê: Theo nhiều nghiên cứu về di truyền học, Ethiopia sở hữu 99% sự đa dạng di truyền thực vật cà phê trên toàn cầu, điều này biến Ethiopia thành một tụ điểm đặc biệt về sự đa dạng di truyền cà phê. Tại đây, quá trình xử lý cà phê được thực hiện theo hai phương pháp chính gồm chế biến tự nhiên hoặc chế biến ướt, điều này tạo ra hai loại hương vị hoàn toàn khác biệt. Phương pháp tự nhiên thường mang lại cho cà phê hương vị trái cây nổi bật, kết cấu dày và một thoang thoảng hương vị rượu vang. Trong khi đó, phương pháp chế biến ướt tạo ra hương vị tươi mát của hoa quả, hay vị tinh tế của trà. Vì lẽ đó, không ngạc nhiên mà Ethiopia hiện đứng top đầu trong các nước gieo trồng cà phê, cũng như là quốc gia sở hữu danh xưng: Cà phê độc lạ nhất thế giới.
  • Kenya: Kenya là một cái tên nặng ký khác trong ngành cà phê đặc sản thuộc khu vực Châu Phi, bởi nơi đây sở hữu một số loại cà phê chất lượng hảo hạng mà ít có quốc gia nào so sánh được. Cà phê Kenya được đánh giá nổi bật với tính acid đặc trưng, kèm theo phức hợp hương vị của các loại quả mọng, trái cây nhiệt đới và trái cây họ cam quýt (đặc biệt là bưởi). Chỉ cần nhấm nháp một ngụm nhỏ, bạn sẽ cảm nhận ngay hương vị của nho đen, mận và hương thơm của hoa tươi hoà tan trong miệng, ngay sau đó, vị ngọt mềm mại của siro mạch nha xuất hiện ở hậu vị sẽ đem đến một trải nghiệm cà phê đích thực.

Bên cạnh hai quốc gia nổi bật kể trên, một số quốc gia khác thuộc khu vực Châu Phi như Rwanda, Burundi, Uganda, Bờ Biển Ngà… cũng đặt mục tiêu phát triển ngành cà phê làm trọng tâm kinh tế. Ngoài giá trị kinh tế, điều khiến cà phê Châu Phi đặc biệt không chỉ bởi hương vị cà phê, mà còn vì sự liên quan đến mốc sự kiện lịch sử, hay mối kết nối đặc biệt giữa con người và cây cà phê. 

các hạt cà phê trên bản đồ Châu Phị

Khu vực Châu Á

Cà phê Châu Á đã và đang chinh phục thế giới bằng sự phong phú về loại cà phê và hương vị độc đáo. Nội dung bên dưới sẽ giúp bạn có những khám phá cơ bản về nguồn gốc sản xuất, sự ảnh hưởng của một số quốc gia Châu Á với thị trường tiêu thụ cà phê thế giới.

  • Ấn Độ: Là đất nước đầu tiên trồng cà phê bên ngoài Đông Phi và bán đảo Ả Rập, hạt cà phê được những người Hồi Giáo Baba Budan mang bất hợp pháp vào Ấn Độ năm 1670. Từ thời điểm đó cho đến nay, trồng cà phê đã phát triển và trở thành một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất của quốc gia này. Cà phê từ Ấn Độ thường được người dùng thế giới đánh giá là hương vị đậm đà, sánh, acid thấp và ít biến đổi đáng kể về hương vị.
  • Indonesia: Là đất nước canh tác cây cà phê từ rất sớm, năm 1699, cây cà phê đầu tiên đã được trồng thành công ở Jakarta, Indonesia và điều này đánh dấu bước đầu trong sự phát triển của ngành cà phê tại đây. Năm 1719, cà phê Indonesia bắt đầu nổi tiếng trên bản đồ cà phê với cái tên “cà phê Java của Indonesia”. Từ đó, các tên gọi như “Java”, “Sumatra” đã trở thành biểu tượng của cà phê chất lượng cao trong nhiều thế kỷ, tạo tiền đề cho Indonesia đạt vị trí thứ tư trên thị trường xuất khẩu cà phê thế giới.
  • Thái Lan: Hiện nay, ngành nông nghiệp cà phê Thái Lan đã phát triển mạnh mẽ và đa dạng, đặc biệt trong hoạt động sản xuất cà phê chất lượng cao. Cà phê xuất khẩu chủ yếu là cà phê Robusta với hương vị phong phú, kết hợp tinh tế giữa vị ngọt và hương thơm đa dạng, tạo ấn tượng với người thưởng thức. Bên cạnh đó, cà phê Arabica từ Thái Lan thường được đánh giá cao và có thể mang trong mình hương vị như cam, chanh, mận và đậu phộng.
  • Myanmar: Myanmar chỉ mới bắt đầu chú trọng vào việc đầu tư phát triển ngành sản xuất cà phê trong những năm gần đây, điều này được xem là khá chậm so với các nước trong khu vực. Không bị ảnh hưởng bởi yếu tố “sinh sau đẻ muộn”, ngành cà phê Myanmar ngày càng chú trọng vào phát triển chất lượng cũng như xuất khẩu cà phê, đạt được sự đánh giá cao về tiềm năng trên thị trường. Tuy nhiên, năng suất cà phê vẫn khá thấp, nếu tận dụng được lợi thế về khí hậu, thời tiết thích hợp và các công nghệ tân tiến của nước ngoài, ngành cà phê của Myanmar có thể sẽ phát triển hơn nữa.
  • Việt Nam: Cà phê Việt Nam không chỉ có lịch sử dài và phong phú, mà còn đang nắm giữ vị trí quan trọng trong thị trường thế giới về hoạt động cung ứng cà phê. Phả hệ cà phê được du nhập và trồng tại Việt Nam vào đầu thế kỷ 19 dưới thời thực dân Pháp. Từ đó, ngành cà phê đã phát triển mạnh mẽ và trở thành trọng điểm kinh tế của đất nước. Thế kỷ 20 chứng kiến sự gia tăng đáng kể về sản xuất và xuất khẩu cà phê Việt Nam ra thị trường ngoại quốc. Cà phê Việt Nam được trồng rộng rãi ở nhiều khu vực trên cả nước: vùng núi cao như Đà Lạt, Buôn Ma Thuột và Sơn La với cà phê Arabica, trong khi cà phê Robusta thường được trồng ở các vùng đồng bằng như Đắk Lắk và Gia Lai. Hương vị cà phê Việt Nam đa dạng và đặc biệt, cà phê Robusta có hương vị mạnh mẽ, độ đậm cao, sử dụng trong cà phê phin truyền thống (cà phê pha lọc) hay như cà phê Arabica của Việt Nam mang lại hương thơm tươi mát và mùi vị phong phú.
  • Yemen – Nơi khởi đầu sự hội nhập, phát triển cà phê: Ghi chép lịch sử cà phê đã chỉ ra rằng từ một khu vực nhỏ ở rừng cà phê thuộc Tây Nam Ethiopia, hạt cà phê được mang về Yemen vào giữa thế kỷ 15. Đến thế kỷ 18, cà phê từ Yemen lan rộng trên các tuyến đường thương mại đến Châu Âu, tạo nền tảng cho việc canh tác cà phê Arabica hiện đại trên toàn thế giới. Theo nhiều tổ chức nghiên cứu, cảng Al Mokha là cảng đầu tiên kinh doanh cà phê thương mại trên thế giới. Mặc dù từng được coi là một trong những nguồn cà phê chất lượng hàng đầu, việc xuất khẩu cà phê đã giảm sút kể từ những năm 1950. Cảng Mokha ngày nay, cũng chỉ tồn tại như một cảng cá với hoạt động du lịch hạn chế. 

Về thế giới cà phê Châu Á, nơi đây chứa đựng nguồn tài nguyên quan trọng của sự đa dạng về phả hệ cà phê, từ hạt Arabica tại Ấn Độ cho đến hạt Robusta mạnh mẽ của Việt Nam. Với lịch sử lâu đời và tầm ảnh hưởng toàn cầu, ngành cà phê châu Á đã trở thành biểu tượng văn hóa và kinh tế quan trọng của khu vực, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng và phát triển ngành này.

minh hoạ bản đồ cà phê Châu Á

Bản đồ cà phê thế giới dựa theo văn hóa cà phê 

Văn hóa cà phê là một khía cạnh liên quan đến việc sử dụng, sản xuất và thưởng thức cà phê. Văn hóa cà phê toàn diện chứa đựng sự ảnh hưởng của cà phê đối với cộng đồng xã hội và là một phần không thể thiếu trong nền văn hóa ẩm thực đương đại. Trong phạm vi bài viết này, The Local Beans sẽ cùng quý khách hàng khám phá sơ lược về thói quen thưởng thức cà phê tại từng quốc gia từ đó có cái nhìn tổng quan nhất định về văn hoá cà phê. 

Các quốc gia như Jamaica, ColombiaKenya thường ưa thích uống cà phê nóng. Trong khi một số quốc gia ở Châu Phi, người dùng ưa thích thêm bạc hà vào cà phê để tạo hương vị thơm mát. Người Ả Rập trộn bột lá chocory với cà phê để pha chế ra một loại hương vị độc đáo và làm giảm hàm lượng cafein. Người Ý yêu thích cà phê Espresso với đường, trong khi người ĐứcThuỵ Sĩ ưa chuộng cà phê nóng dùng kèm sô cô la. Người Mexico thêm nước chanh vào mỗi tách cà phê của họ và người Bỉ thường kết hợp cà phê với sô cô la. 

Ở vùng Trung Đông, nhiều người thích cho thêm bạch đậu khấu và tiêu vào cà phê. Người Áo thưởng thức cà phê cùng với kem. Hay như người Pháp và người Ý đã góp phần đưa cà phê lên tầm cao mới bằng cách pha chế cà phê với sữa cùng các thực phẩm như kẹo hay bánh cà phê, sự kết hợp này mang tên Cappuccino và Latte (Ý) hay Café au Lait (Pháp). T

ại Việt Nam, bên cạnh cà phê phin truyền thống, người Việt Nam thường thích dùng cà phê với nhiều nguyên liệu khác nhau nhằm tạo nên những hương vị mới lạ. Một vài cái tên phải kể đến như cà phê trứng, cà phê muối, cà phê sương sáo, bạc xỉu, v.v… 

Bên cạnh kết hợp với nhiều loại sản phẩm khác nhau, nét đặc sắc văn hoá cà phê còn xuất hiện trong từng khía cạnh cuộc sống hàng ngày. Điều này phản ánh đặc điểm về sở thích của cá nhân hoặc cộng đồng ưa chuộng cà phê trên toàn thế giới. Hay nói cách khác, mối quan hệ giữa cà phê và văn hoá được thể hiện thông qua cách cà phê đi vào nếp sống hằng ngày của người yêu cà phê.

Dựa trên trải nghiệm thực tế trong ngành dịch vụ cà phê, The Local Beans đã tổng hợp một số đặc trưng của văn hoá cà phê trên toàn cầu nói chung và ở tại địa phương mình nói riêng như sau:

  • Cà phê và bánh mì: sự kết hợp đặc trưng cho bữa sáng của người Việt Nam. Cà phê đen đắng đậm đà hay một chút béo ngọt của cà phê sữa thưởng thức cùng bánh mì là thói quen quen thuộc mà hầu hết người Việt Nam đều dễ dàng lựa chọn để bắt đầu một ngày mới.i
  • Cà phê để thư giãn và giảm áp lực công việc: Sau những khung giờ căng thẳng, người Việt Nam nói chung, người địa phương nói riêng thường có thói quen rủ rê nhau bằng câu nói “đi cà phê đi”. Cà phê lúc này không dừng lại ở một món uống có độ đậm, đắng, mà là khoảng thời gian dành cho chính mình.

Những nét văn hóa cà phê luôn được biến hóa đa dạng tại từng đất nước mà nó gia nhập, tạo nên một cộng đồng văn hóa cà phê đa chiều trên khắp thế giới, mà Việt Nam cũng không ngoại lệ.

hình ảnh khách hàng của The Local Beans với thói quen cà phê sáng

Cà phê Việt Nam được định danh trên bản đồ cà phê thế giới ra sao?

Trong một thế giới đa dạng chủng loại và phương pháp sản xuất, Việt Nam đã tìm thấy lối đi riêng trên thị trường cà phê thế giới, tập trung chủ yếu vào hạt Robusta – giống cà phê có giá thành thấp nhưng chất lượng không kém cạnh Arabica.

Hạt Robusta có lượng cafein gấp đôi so với Arabica, mang đến hương vị đắng đặc trưng. Hiện nay, nước ta có tiềm năng lớn về phát triển chuỗi cung ứng cà phê, nhưng thực tế đã chỉ ra rằng giá trị xuất khẩu của nền kinh tế cà phê Việt Nam chưa thật sự đáp ứng được kỳ vọng. Để tận dụng hết khả năng của ngành cà phê đòi hỏi các doanh nghiệp phải thực hiện nhiều bước tiến cụ thể.

Các biện pháp bao gồm nắm bắt nhạy bén biến động của thị trường cà phê, thúc đẩy sản xuất cà phê sạch, công nghệ hóa quy trình chế biến hiện đại. Quan trọng nhất và cũng khó khăn nhất chính là xây dựng, định vị và quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam đến đông đảo bạn bè trên thế giới. 

Lựa chọn sứ mệnh phục vụ địa phương và nâng tầm giá trị cà phê Việt trong mắt cộng đồng yêu cà phê quốc tế, The Local Beans khởi đầu bằng cách chăm sóc thói quen cà phê của người địa phương với những hạt cà phê Việt chất lượng. Bên cạnh đó, để lan tỏa tinh thần địa phương thêm phần mạnh mẽ, The Local Beans kết nối với những doanh nghiệp địa phương khác như một cách cam kết cho hành trình chăm sóc cộng đồng bền vững.

“Sinh ra tại địa phương, The Local Beans tự hào là nơi chăm sóc thói quen tốt của người dân địa phương!”

bảng hiệu cà phê The Local Beans

Mong rằng bài viết này của The Local Beans sẽ có ích cho mọi người trong quá trình nghiên cứu tìm hiểu về ngành cà phê, đặc biệt là bản đồ cà phê thế giới và các nền văn hoá cà phê toàn cầu.

Nguồn tham khảo: