hình ảnh cây cafe arabica Cầu Đất

Cafe Arabica Cầu Đất – Nguồn Nguyên Liệu Chất Lượng Cao

Việt Nam hiện được biết đến là quốc gia nổi tiếng về trồng và xuất khẩu Robusta, sản lượng đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Brazil. Trong khi đó, đối với Arabica, giống cà phê nhận đánh giá là chất lượng tốt nhất trên thế giới (so với Robusta), Việt Nam hầu như không được biết tới.

Tuy nhiên, nước ta vẫn có một địa danh nằm trên vùng cao nguyên, mệnh danh là thiên đường của giống Arabica: Cầu Đất – Đà Lạt (Lâm Đồng). Nếu bạn là tín đồ cà phê, hay chỉ đơn giản là muốn tìm hiểu về cafe Arabica Cầu Đất, hãy cùng The Local Beans khám phá câu chuyện đằng sau chất lượng tuyệt hảo của nó nhé!

quả cafe

Lịch sử hình thành Cafe Arabica Cầu Đất

Cà phê Arabica đã bắt đầu xuất hiện tại Cầu Đất nói riêng và Việt Nam nói chung từ những năm thế kỷ 19, khi thực dân Pháp mang loại cây này đến nước ta. Thông qua hoạt động truyền giáo cùng mục đích canh tác phục vụ cho nhu cầu của chính quốc. Lúc bấy giờ, vô số đồn điền cà phê mọc ra thay thế các ruộng lúa gạo từ các tỉnh Bắc Kỳ, lan xuống miền Trung và xuống Tây Nguyên. 

Đến năm 1898, Pháp thử nghiệm trồng cà phê tại Đăng Kia – Suối Vàng, tỉnh Lâm Đồng. Với lợi thế từ thiên nhiên nơi đây, người Pháp tham vọng biến Đà Lạt thành thủ phủ cà phê Arabica, chủ yếu trồng cà phê thuần chủng như Typica hay Bourbon. Nhưng không thuận lợi như họ nghĩ, năng suất thu hoạch cà phê tại thời điểm đó rất kém. 

Nguyên nhân là khí hậu ở Đà Lạt thay đổi nhanh chóng, kết hợp với mùa mưa kéo dài, gây bất lợi cho quá trình ra hoa và làm thối rễ, thậm chí bị sốc nhiệt dẫn đến chết cây. Bên cạnh đó, sâu bệnh cũng là yếu tố khiến cà phê không phát triển, buộc Pháp từ bỏ ý định tạo đồi cà phê tại khu vực này.

Trong công cuộc Đổi mới năm 1986, với sự hỗ trợ của các Bộ Nông Nghiệp, Kế Hoạch, và Tài Chính, Liên Hiệp Xí Nghiệp Cà Phê Việt Nam tổ chức Hội Nghị Phát Triển Cà Phê. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách mới, quyết định đầu tư mạnh mẽ để chuyển đổi cà phê thành cây nông nghiệp trọng điểm, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường cà phê toàn cầu. 

Năm 1989, thành công đầu tiên mà Việt Nam đạt được chính là đưa giống cà phê Arabica Catimor (lai tạo giữa giống Timor và Caturra tại Bồ Đào Nha) về nước. Với ưu điểm kháng sâu bệnh và năng suất cao, chủng cà phê này đã tạo tiền đề phát triển ngành cà phê Việt Nam lên vị thế cao hơn trên thị trường thế giới.

tay người nông dân cầm hạt cafe arabica cầu đất

Các loại hạt Arabica Cầu Đất

Cầu Đất trồng các loại cà phê Arabica chính: Bourbon, Typica, Mocha (Moka) và Catimor. Các dòng Bourbon, Typica, Mocha là những dòng cà phê có lịch sử lâu đời nhất trên thế giới, nhưng chúng đều khá khó trồng, yếu và dễ bị sâu bệnh tấn công. Trong khi Catimor nổi bật với khả năng chống bệnh cùng năng suất cao, dễ ươm trồng hơn. Dù thuộc chủng loại khác nhau, Arabica Cầu Đất chung quy vẫn dễ nhận biết bởi vị đặc trưng chua thanh xen lẫn đắng nhẹ và nhờ trải nghiệm độc đáo đó, chúng thường sử dụng làm nguyên liệu chính cho các hãng cà phê, thương hiệu nổi tiếng nhất nhì thế giới.

Hương vị đặc biệt của Arabica Cầu Đất

Arabica Cầu Đất được mệnh danh là “nữ hoàng của vương quốc cà phê” bởi sức hấp dẫn tới từ cảm nhận tự nhiên và vị đắng nhẹ nơi đầu lưỡi khi thưởng thức chúng. Nhiều người vẫn ví von rằng, chỉ khi nhấm nháp một tách cà pha chế từ Arabica, ta mới có thể nếm được hết bộ sưu tập mùi vị đắng, chua, ngọt của hạt cà phê.

Nếu người không sành uống sẽ nghĩ loại hạt này bị pha lẫn tạp chất vì vị đắng của nó không đậm như những loại cà phê khác, nhưng những người có niềm đam mê về cà phê thì sẽ ngay lập tức nhận ra vị ngon đặc biệt của Arabica Cầu Đất. 

Hạt cà Arabica nơi đây chủ yếu to, trơn, dẹp và xanh hơn nhiều so với các đại phương khác, tạo nên một hương vị sang trọng và quý phái. Mùi hương của Arabica kết hợp với mùi siro, hoa trái và mật ong, đã chinh phục giới mộ điệu trên toàn thế giới. Một khi đã nếm thử loại cà phê này thì người ta sẽ luôn nhớ tới nó thay vì những loại cà phê khác.

Chính vì vậy, cà phê chè dần trở thành hương vị ưu thích và là lựa chọn hàng đầu của các nước Âu Mỹ. Hay như thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới – Starbucks, vào năm 2016 đã chọn hạt Arabica Cầu Đất trở thành một trong 7 loại cà phê dành cho việc sản xuất trên toàn cầu.

người nông dân và lịch sử hạt cà phê Việt Nam

Những lợi thế của khu vực Cầu Đất trong việc trồng trọt Arabica

Độ cao và khí hậu lý tưởng

Được biết, Arabica sinh trưởng và phát triển tốt ở những nơi có độ cao từ 900m – 2000m (so với mực nước biển). Với độ cao trung bình khoảng 1500m, Cầu Đất cung cấp môi trường lý tưởng cho cây Arabica phát triển mạnh mẽ, tạo ra hương vị đa dạng, từ mùi trái cây đến hương hoa. 

Mặt khác, nhiệt độ thích hợp để Arabica sinh trưởng nằm trong biên độ từ 5°C – 25°C và loại cây này không cần nơi có nhiều ánh nắng, chúng phát triển tốt trong bóng râm. Trong khi đó, nhiệt độ vùng Cầu Đất thấp nhất không dưới 5°C và ngưỡng cao nhất không vượt 33ºC, được xem là có nhiệt độ lý tưởng cho việc ra hoa kết trái của cà phê Arabica.

Thổ nhưỡng màu mỡ

Với lợi thế của vùng đất đỏ bazan màu mỡ tại Cầu Đất hoàn toàn phù hợp trồng cà phê, vừa giúp cây Arabica thích nghi tốt, vừa giảm rủi ro về sâu bệnh, tăng chất lượng hạt cà. Vì lẽ đó, giá trị những hạt cà phê chè Cầu Đất lại được nâng cao, bởi “cây Arabica khó trồng và khó chăm sóc, khả năng chống chịu bệnh dịch lại kém”.

Thay lời kết

Hơn cả giá trị về kinh tế, ngày nay, Cầu Đất không chỉ là nơi sản xuất cà phê nổi tiếng bậc nhất nước ta, mà đây còn là điểm đến lý tưởng cho những người yêu thích hương vị đặc trưng của Arabica. Thông qua bài viết này, The Local Beans hy vọng đã giúp quý khách hàng bổ sung thêm thông tin về cà phê nói chung và hạt cà địa phương nói riêng. Nếu có cơ hội, hãy thưởng thức cafe Arabica Cầu Đất để trải nghiệm chất lượng cà phê tuyệt vời được tạo bởi sự ưu ái của địa lý và thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này nhé!