những hạt cà phê đựng trong túi giấy

Tìm Hiểu Chi Tiết Thủ Tục Xuất Khẩu Cà Phê Hạt 2024

Thủ tục xuất khẩu cà phê hạt là một trong những vấn đề quan trọng mà các doanh nghiệp kinh doanh cà phê cần nắm rõ để thực hiện vận chuyển hiệu quả và hợp pháp. Cà phê hạt là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và có nhiều tiềm năng mở rộng thị trường tại EU, Mỹ và các nước khác.

Tuy nhiên, để xuất khẩu cà phê hạt, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch, hải quan, thuế và các chứng từ liên quan. Trong bài viết này, The Local Beans sẽ cung cấp cho bạn thông tin chi tiết và mới nhất về thủ tục xuất khẩu mặt hàng cà phê cũng như những lưu ý cần thiết khi thực hiện thực hiện vận chuyển cà phê hạt ra nước ngoài.

Quy định của pháp luật về xuất khẩu cà phê

Căn cứ theo thông tư số 04/2014/TT-BTC ngày 27/01/2014 của Bộ Công thương, thì cà phê không nằm trong danh mục các mặt hàng cấm xuất khẩu hay hạn chế xuất khẩu. Đồng thời cũng không thuộc danh mục hàng hóa phải xin giấy phép khi xuất khẩu.

Chính vì vậy doanh nghiệp có thể xuất khẩu cafe đi những nước khác hoàn toàn bình thường, không gặp những mặt khó khăn về mặt pháp lý. Doanh nghiệp quan tâm đến việc trao đổi và mua bán cà phê hạt cần quan tâm thêm những quy định thuộc pháp lý dưới đây:

  • Thông tư số 75/2009/TT-BNNPTNT quy định tiêu chuẩn quốc gia về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hoạt động sản xuất nông sản.
  • Về bộ hồ sơ làm thủ tục xuất khẩu cà phê đã được quy định cụ thể tại điều 16 Thông tư 39/2018/TT-BTC;
  • Về các giấy tờ, chứng từ, hồ sơ hải quan xuất khẩu cà phê sẽ được quy định theo khoản 5 điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC.

tách hạt cà phê cùng nội dung ảnh về thủ tục xuất khẩu cà phê hạt

Mã HS cà phê là gì?

Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nói chung, với bất cứ mặt hàng nào, để xác định đúng về chính sách, thuế, thủ tục xuất khẩu, đầu tiên cần xác định mã số HS của mặt hàng. Cà phê có HS thuộc chương 9: Cà phê, Chè, Chè PARAGOAY và các loại gia vị:

Mã HS cà phê là mã số hải quan dùng để phân loại cà phê theo các tiêu chí như loại, tình trạng rang, khử cafein, v.v… bắt đầu bằng 4 chữ số 0901 và có thể có thêm 2 hoặc 4 chữ số sau để chỉ chi tiết hơn. Ví dụ, mã HS 09011110 là cà phê Arabica chưa rang, chưa khử chất cafein.

Việc xác định chi tiết mã HS của một mặt hàng phải căn cứ vào tính chất, thành phần cấu tạo… của hàng hóa thực tế nhập khẩu. Theo quy định hiện hành, căn cứ để áp mã HS vào hàng hóa thực tế nhập khẩu tại thời điểm nhập khẩu, trên cơ sở catalogue, tài liệu kỹ thuật (nếu có) đi giám định tại Cục Kiểm định hải quan. Kết quả kiểm tra thực tế của hải quan và kết quả của Cục Kiểm định hải quan xác định là cơ sở pháp lý để áp mã đối với hàng hóa nhập khẩu.

Có phải nộp thuế xuất khẩu cà phê không?

  • Thuế VAT: 0 % (Chiếu theo quy định hiện hành, thuế VAT của hàng hóa xuất khẩu là 0%).
  • Thuế xuất khẩu: cà phê không nằm trong danh sách các mặt hàng chịu thuế xuất khẩu.

Do đó, khi xuất khẩu cà phê người xuất khẩu không phải nộp bất kỳ loại thuế xuất khẩu nào. Tuy nhiên, bạn cần chú ý đến các quy định về kiểm dịch và yêu cầu kiểm dịch của đối tác nhập khẩu.

minh hoạ các phương tiện trong thủ tục xuất khẩu cà phê

Thủ tục xuất khẩu cà phê hạt 

Hồ sơ xin giấy phép xuất khẩu cà phê 

  • Văn bản đề nghị cấp CFS kèm theo mã HS (8 số);
  • Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân;
  • Danh mục các cơ sở sản xuất (nếu có), bao gồm tên, địa chỉ của cơ sở, các mặt hàng sản xuất để xuất khẩu: 1 bản chính;
  • Bản tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa kèm theo cách thể hiện (trên nhãn hàng hóa hoặc trên bao bì hàng hóa hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa): 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân;
  • Mẫu chữ ký con dấu người đại diện pháp luật.

Hồ sơ, chứng từ khai báo hải quan xuất khẩu cà phê

  • Hóa đơn thương mại;
  • Phiếu đóng gói hàng hóa;
  • Hợp đồng thương mại;
  • Giấy kiểm dịch thực phẩm;
  • Chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ Việt Nam;
  • Chứng nhận xuất xứ hàng hóa riêng cho mặt hàng cà phê;
  • Chứng nhận chất lượng, số lượng, trọng lượng;
  • Vận đơn đường biển;
  • Bảo hiểm (nếu có);
  • Hun trùng riêng cho mặt hàng cà phê.

Thủ tục hải quan tại cửa khẩu xuất

Căn cứ vào thông tin trên bộ chứng từ thương mại đã cung cấp, bạn cần khai báo hải quan xuất khẩu theo bộ chứng từ thương mại và quy định hiện hành. Bạn sử dụng phần mềm hải quan điện tử ECUS5-VNACCS để khai và truyền dữ liệu qua internet.

Bước tiếp theo, bạn in tờ khai và bộ chứng từ giấy, mang đến chi cục hải quan để đăng ký tờ khai. Tùy thuộc vào kết quả phân luồng tờ khai, bạn sẽ làm các công việc sau:

  • Luồng xanh: Hệ thống thông quan tự động, bạn chỉ cần thanh lý tờ khai vào sổ tàu xuất;
  • Luồng vàng: Bạn nộp hồ sơ giấy cho hải quan kiểm tra;
  • Luồng đỏ: Bạn vừa nộp hồ sơ giấy vừa cho hải quan kiểm tra hàng hóa thực tế.

Ngoài ra, bạn cần tìm hiểu các quy định về Vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch, kiểm tra chất lượng… của nước nhập khẩu. Bạn cũng cần làm chứng thư kiểm dịch thực vật Phytosanitary Certificate và giấy chứng nhận xuất xứ (CO – Certificate of Origin).

thìa cà phê hạt xuất khẩu

Lưu ý khi làm thủ tục xuất khẩu cà phê hạt

Quy cách đóng gói cà phê xuất khẩu

Để một sản phẩm cà phê Việt Nam có thể đến tay của các nước nhập khẩu, bao bì phải đảm bảo đầy đủ các thông tin nhãn mác, nơi sản xuất, hạn sử dụng và các tỷ lệ đặc biệt khác. Bao bì cà phê cũng phải chịu được sự kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng và độ ẩm.

Tùy vào loại cà phê, bao bì có trọng lượng khác nhau. Cà phê rang xay thường đóng trong túi 30kg, còn cà phê thô thường đóng trong túi 60kg. Cà phê xuất khẩu được đóng trong các loại container theo tiêu chuẩn ISO. Có 3 loại container là 20 feet, 40 feet và 45 feet. Bạn chọn loại container phù hợp với loại hàng hóa của bạn.

Cách bảo quản cà phê xuất khẩu

Bảo quản cà phê là một vấn đề quan trọng mà người dùng cần chú ý khi đóng gói cà phê xuất khẩu. Bởi vì cà phê sẽ phải vận chuyển qua nhiều quốc gia và thời tiết khác nhau. Nếu không bảo quản tốt, cà phê có thể bị hỏng, mốc khi đến tay người tiêu dùng.

Do đó, doanh nghiệp cần tuân thủ các yêu cầu sau:

  • Bao bì phải kín không khí, không để không khí vào được;
  • Container phải sạch sẽ, có nhiệt độ phù hợp;
  • Dùng các thiết bị hút ẩm để giảm độ ẩm trong không khí tiếp xúc với cà phê.

Chứng nhận xuất xứ (C/O)

Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) không bắt buộc để thông quan lô hàng. Nhưng người mua hàng có thể yêu cầu doanh nghiệp làm C/O cho một số thị trường có hiệp định thương mại với Việt Nam.

Nhà nhập khẩu dùng C/O để được giảm thuế nhập khẩu. Ví dụ, xuất khẩu sang Asean dùng mẫu D, sang Trung Quốc dùng form E, sang Mỹ dùng form B,… Để xin cấp C/O, bạn cần có:

  • Bill Of Lading, Invoice, Packing List, tờ khai xuất;
  • Định mức sản xuất, quy trình sản xuất;
  • Đầu vào nguyên vật liệu (tờ khai nhập, hóa đơn mua, bảng kê thu mua…).

Thủ tục kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu cà phê

Công ty xuất khẩu cà phê cần hỏi đối tác nhập khẩu về yêu cầu kiểm dịch trước khi làm thủ tục xuất khẩu, để sẵn sàng và tránh rắc rối sau này. Khi đó thường có 2 trường hợp như sau:

Đối với hàng hóa xuất khẩu vào nước không có yêu cầu kiểm dịch

Nếu hợp đồng mua bán yêu cầu kiểm dịch: doanh nghiệp làm kiểm dịch theo pháp luật và gửi Giấy chứng nhận kiểm dịch cho người mua hàng theo hợp đồng. Hải quan không cần Giấy chứng nhận kiểm dịch để thông quan hàng hóa trong trường hợp này.

Nếu hợp đồng mua bán không yêu cầu kiểm dịch, doanh nghiệp làm xuất khẩu hàng hóa theo quy định và không làm kiểm dịch cho lô hàng xuất khẩu.

Đối với hàng hóa xuất khẩu vào nước yêu cầu phải kiểm dịch

Tổng cục Hải quan có trách nhiệm cập nhật Danh sách các nước có yêu cầu phải kiểm dịch để ứng dụng phân luồng tự động kiểm soát các lô hàng xuất khẩu vào nước có yêu cầu kiểm dịch mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện. Cơ quan Hải quan chỉ thông quan hàng hóa khi doanh nghiệp nộp giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan kiểm dịch cấp.

Như vậy, thủ tục xuất khẩu cà phê cũng không quá phức tạp nếu bạn hiểu rõ quy trình. Hồ sơ và quy trình kiểm dịch thực vật dành riêng cho cà phê được trình bày như sau:

Hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật gồm có:

  • Đơn đăng ký kiểm dịch thực vật (theo mẫu);
  • Danh sách đóng gói (Packing List);
  • Giấy ủy quyền ủy thác làm thủ tục kiểm dịch (nếu có);
  • Mẫu của lô hàng cà phê xuất khẩu.

Quy trình kiểm dịch thực vật như sau:

  • Đăng ký kiểm dịch: Nhà xuất khẩu gửi bộ hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật xuất khẩu tại cơ quan kiểm dịch thực vật và khai báo trực tuyến trên Cổng thông tin một cửa quốc gia;
  • Lấy mẫu: Chủ hàng cần đăng ký kiểm dịch ít nhất trước 1-2 ngày mang hàng ra cảng. Cơ quan kiểm dịch tiến hành lấy mẫu. Mẫu có thể kiểm dịch tại cảng hoặc tại nhà máy;
  • Khai báo thông tin: Khai báo các thông tin về lô hàng lên hệ thống để ra chứng thư nháp;
  • Bổ sung hồ sơ và lấy chứng thư: Sau khi kiểm tra các thông tin trên chứng thư nháp, xác nhận hoặc sửa chữa với cơ quan kiểm dịch thì tiến hành bổ sung hồ sơ và lấy chứng thư gốc.

Lưu ý: Lần đầu bên kiểm dịch thực vật có thể sẽ về tại cơ sở để kiểm tra hàng hóa hoặc sẽ kiểm tại cảng. Các lần sau doanh nghiệp có thể chuyển hàng lên chi cục kiểm dịch để kiểm tra hàng, tùy theo sự lựa chọn của doanh nghiệp.

Thay lời kết

Như vậy, The Local Beans đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về thủ tục xuất khẩu cà phê hạt. Các doanh nghiệp cần chú ý đến các bước chuẩn bị chứng từ, khai báo hải quan, kiểm dịch, hun trùng, bảo quản và đóng gói các loại cafe hạt. Đồng thời tìm hiểu các quy định về thuế, chứng nhận xuất xứ, hiệp định thương mại của nước nhập khẩu.