Giỏ hàng hiện tại chưa có sản phẩm nào!
Lịch Sử Phin Cà Phê Cùng Đặc Trưng Văn Hóa Cà Phê Việt
Phin cà phê với lịch sử lâu đời, dần trở thành dụng cụ độc nhất, tạo ra thức uống có sức quyến rũ kỳ lạ đối với người dân Việt Nam. Bản thân cà phê và những thứ xung quanh nó luôn khiến giới mộ điệu tò mò, muốn chinh phục mọi “ngóc ngách” bí ẩn. Nếu bạn từng thắc mắc rằng chiếc phin cà phê trong lịch sử cà phê Việt Nam mình thường dùng có từ thời gian nào, nguồn gốc từ đâu, thì hãy theo chân The Local Beans để đi tìm về lịch sử phin cà phê nhé!
Nguồn gốc, lịch sử phin cà phê Việt Nam
Phin cà phê là gì?
Phin là loại vật dụng chuyên dùng pha cà phê, hầu như người Việt mê cà phê nào cũng biết và từng sử dụng ít nhất một lần trong đời. Vật phẩm có hình dạng giống một chiếc cốc nhỏ có thêm tay cầm, dưới đáy chi chít lỗ để nước chảy xuống. Trọn bộ sản phẩm bao gồm cả dụng cụ nén hình tròn được đặt vừa vặn trong lòng phin để pha và lọc cà phê.
Phin có thể làm bằng nhôm hoặc gốm sứ, trong đó chất liệu nhôm vì gọn nhẹ, giá thành sản xuất rẻ nên được nhiều người ưa chuộng nhất. Để sử dụng, bạn sẽ cho cà phê bột vào phin, nén chặt rồi rót nước nóng với liều lượng phù hợp và tận hưởng khoảnh khắc giọt cà phê chầm chậm rơi.
Cà phê pha phin, qua nhiều giai đoạn lịch sử vẫn giữ một vị trí nhất định trong lòng người dân Việt. Bất kỳ nơi đâu trên mảnh đất chữ S, từ xe cà phê lề đường cho đến quán có thiết kế sang trọng, cà phê phin vẫn xuất hiện như một món uống “bắt buộc phải có” trong thực đơn.
Tùy theo sở thích, người ưa vị đậm đà thì chọn phin đen đá, người chuộng hương thơm ngọt sẽ lựa cà phê phin sữa. Để tạo ra một ly cà phê ngon, bên cạnh chất lượng hạt cà, người ta còn quan tâm đến nhiều yếu tố bên ngoài khác, như chất liệu tạo phin cà phê là ví dụ điển hình.
Lịch sử ra đời của phin cà phê
Tìm hiểu về phin cà phê không chỉ cần quan tâm đến cấu tạo hay chất liệu bên ngoài, mà ta phải hiểu rõ về lịch sử, nguồn gốc của nó. Trong văn hoá cà phê các nước, có rất nhiều loại dụng cụ được sử dụng để tạo nên một tách cà phê thơm ngon. Tương tự, ở Việt Nam có “phin”, một loại dụng cụ cùng chức năng pha chế cà phê, xuất hiện từ lâu và góp phần tạo nên nhiều nét độc đáo về ẩm thực nói chung và cà phê nói riêng.
Những năm thế kỷ XIX, thực dân Pháp bắt đầu đem cây cà phê và chiếc phin du nhập vào Việt Nam, mục đích để phục vụ nhu cầu của tầng lớp thống trị. Dần dần, phin cà phê không còn đơn thuần là đồ vật dùng để chiết cà phê, mà trở thành nét đặc trưng trong văn hoá cà phê nước ta.
Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc chiếc phin, từ Madras Coffee Filter có xuất xứ nguyên bản từ vùng Nam Ấn, cho đến Belloy’s drip coffee tạo bởi một Hồng y Linh mục người Pháp. Trong bài viết này, The Local Beans sẽ chia sẻ đến khách hàng cả hai câu chuyện về “tiền thân” phin Việt Nam.
Madras Coffee Filter có xuất xứ vào năm 1670, với cấu tạo ban đầu gồm: Phần chứa phía trên có một đĩa ép, đáy nhiều lỗ, là nơi thêm bột cà phê, nước và phần chứa phía dưới chuyên đựng cà phê để ủ. Hình dáng bên ngoài như một chiếc ly dài, ít có điểm tương đồng với chiếc phin cafe hiện tại – dụng cụ có các bộ phận tách rời.
Ở một giả thiết khác, nhiều người khẳng định rằng chiếc phin đầu tiên được làm ra bởi Jean-Baptise de Belloy, Tổng giám mục Paris – Hồng y Linh mục của nhà thờ St.John ở Porta Latina. Chính ông đã sáng tạo nên vật dụng pha cà phê có tên Belloy’s drip coffee pot, với mong muốn thay thế cách pha cà phê ngâm ủ lâu đời.
Hình ảnh phin cà phê truyền thống hay Belloy’s drip coffee pot
Dù ở câu chuyện nào, thì người Pháp cũng là mối liên kết giữa cây cà phê và phin với người yêu cà phê Việt. Tạo tiền đề cho việc cải tiến thành Vietnamese Filter lẫn hình thành văn hoá cà phê phin nổi tiếng ngày nay.
Đặc trưng độc đáo của phin cà phê Việt
Trong ký ức của nhiều người Việt Nam, hình ảnh chiếc phin đi kèm ly thuỷ tinh tí tách giọt cà phê rơi luôn hiện diện và là nét đặc sắc truyền thống của cộng đồng xưa. Ngày nay, bên cạnh sử dụng để uống giải khát, cà phê pha phin có xu hướng được xây dựng thương hiệu, trở thành nét văn hoá vật thể đáng trải nghiệm khi đến Việt Nam.
Biểu tượng văn hóa
Dân yêu cà phê Việt có phong cách thưởng thức rất riêng biệt, không uống nhanh, hay để chống buồn ngủ như nhiều người thường dùng, mà dùng cà phê như một thói quen để nhâm nhi và suy ngẫm. Không khó để bắt gặp hình ảnh một người ngồi bên ly cà phê, nhấp từng ngụm nhỏ trong khi đọc báo, hoặc trò chuyện cùng bạn bè, đối tác
Qua nhiều năm, với xu hướng hội nhập quốc tế, thức uống ngoại quốc xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng cà phê pha từ phin vẫn luôn “được lòng” người Việt, bởi nét độc đáo mà chỉ có giọt cà loại này đem lại.
Món quà thương hiệu Việt
Trong mắt nhiều người, khi có ý định đem cà phê Việt trở thành thức quà biếu gửi, người ta thường chọn chiếc phin cà phê kèm theo loại hạt cà thơm. Bởi ngoài giá trị về kinh tế, hình ảnh ly cà phê phin còn liên kết với yếu tố lịch sử và văn hóa của vùng đất này. Hơn thế, ngày nay cà phê phin Việt Nam đã trở thành thương hiệu, có đặc trưng độc đáo và luôn cố gắng truyền tải giá trị, bản sắc văn hóa riêng của nước nhà.
Để chọn mua phin cà phê làm quà, người ta thường quan tâm đến chất liệu. Hiện nay, phin được làm từ một số chất liệu chính, kèm theo những ưu nhược điểm như sau:
- Phin inox: Hình dáng có nắp cài, gia tăng độ nén, giúp hạn chế việc cà phê bị nở trào ra khi rót nước sôi. Phin inox bền, nhưng luôn đi kèm với mức giá khá cao. Nhiều người cũng nhận xét rằng hương vị cafe pha từ phin inox không đậm đà;
- Phin nhôm: Mang đến hương vị đậm đà, giữ nhiệt cà phê tốt. Nhưng sản phẩm từ chất liệu này khá nhẹ, dễ khiến cà phê bị trào nếu người pha chế không kiểm soát được lượng và nhiệt độ nước sôi;
- Phin gốm sứ: Loại phin đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ cao, đồng thời đảm bảo môi trường và an toàn sức khỏe người dùng. Nhưng chất liệu khó tạo lỗ, ảnh hưởng nhiều đến hương vị cà phê;
- Phin nhựa: Ưu điểm là giá thành rẻ, độ bền cao, nhưng khuyến cáo sử dụng vì gây lo ngại cho sức khỏe người tiêu dùng khi mua phải hàng kém chất lượng.
Tùy vào ngân sách và mục tiêu quý khách hàng hướng đến, có thể chọn loại phin sao cho phù hợp. Ví dụ, nếu bạn đam mê cafe, thì nên lấy loại phin có thể lưu giữ hương vị tốt nhất, nếu đề cao tính thẩm mỹ khi dùng, bạn có thể mua các loại phin gốm sứ cao cấp.
Loại cà phê phù hợp để pha phin
Quan tâm đến việc chọn cà phê nào phù hợp để pha phin, người tiêu dùng vẫn còn lúng túng, bởi thị trường cà phê Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung vẫn đang phát triển hàng ngày. Nhưng mọi người phải nhận ra rằng, độ ngon – dở của hạt cà và liệu nó có hợp để pha phin không, được quyết định bởi gu thưởng thức của từng người, mang đậm tính cá nhân hoá.
Đa dạng hương vị, nguồn gốc, nhưng quan trọng nhất vẫn là chất lượng hạt cà và yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm. Dưới đây là các loại cà phê có thể dùng để pha phin, được trồng tại chính Việt Nam.
Cà phê Arabica
Cà phê Arabica là giống cà phê trồng phổ biến tại Việt Nam ở các vùng như: Cầu Đất, Sơn La,… những nơi có khí hậu mát mẻ, độ cao từ 600m trở lên. Hương vị của loại hạt này có thể biến đổi tùy theo điều kiện canh tác và phương pháp chế biến, nhưng chủ yếu thường có mùi vị trái cây, hạt đậu và hương thảo mộc.
Cà phê Catimor
Ở Việt Nam, cà phê Catimor trở thành một phần quan trọng trong ngành công nghiệp cà phê. Catimor được trồng nhiều ở các vùng cao nguyên như Đắk Lắk, Lâm Đồng và Gia Lai. Dù không phải là loại cà phê chất lượng cao như Arabica, cà phê Catimor thường được sử dụng để sản xuất cà phê phin Việt Nam và cà phê Robusta. Cà phê Catimor là loại cà phê có mùi thơm khá nồng và thường có vị hơi chua.
Cà phê Robusta
Tại Việt Nam, hạt cà Robusta được đánh giá là phù hợp pha phin nhất. Robusta rất thích hợp khi trồng ở vùng núi Tây Nguyên với độ cao trung bình dưới 600m. Đây là một trong những giống cà phê phổ biến và nổi tiếng về sản lượng lớn hàng năm của nước ta.
Cà phê Cherry
Cà phê Cherry, hay còn gọi cà phê mít, rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Hạt cà Cherry có thể được nhận biết dễ dàng với hình dạng thon dài, nhân to. Ưu điểm nổi bật của loại cà phê này là khả năng trồng trong điều kiện kháng sâu bệnh tốt nhất. Cà phê Cherry được trồng nhiều ở vùng đất cao, nắng gió và khô nên chúng không xuất hiện phổ biến như Arabica và Robusta.
Cà phê Culi
Cà phê Culi là một nguyên liệu vô cùng quan trọng để làm nên sự thành công của cà phê đen Việt Nam. Hạt cà Culi thường được xem là sản phẩm chất lượng và có giá trị cao hơn so với cà phê Robusta thông thường, bởi quy trình trồng cũng như chế biến cà phê Culi đòi hỏi sự chăm sóc kỹ lưỡng hơn.
Cà phê Culi cũng thường được sử dụng để pha trộn với các hạt cà phê khác. Qua đó, vừa tạo nên hương vị dịu nhẹ, độc đáo hơn cho loại cà phê Việt Nam, vừa phù hợp hơn với khẩu vị của người Việt.
Trong thời đại thế giới và công nghệ ngày càng phát triển, kéo theo có nhiều cách pha chế cà phê hơn, văn hoá cà phê cùng lịch sử phin cà phê vẫn tồn tại như một sợi dây kết nối quá khứ và hiện tại. The Local Beans mong rằng đã giới thiệu cho quý khách hàng thêm nhiều nguồn thông tin về cà phê Việt Nam.