tách cà phê và lịch sử hình thành về cà phê lâm đồng

Khám Phá Lịch Sử Hình Thành Về Cà Phê Lâm Đồng

Trên thị trường xuất khẩu cà phê, Việt Nam luôn nổi danh với cà phê Robusta, nhưng không phải ai cũng biết, nước ta cũng có những giống cà phê Arabica được đánh giá là xuất sắc nhất thế giới. Tìm hiểu về Arabica, phải nhắc đến Lâm Đồng – một trong số ít khu vực có độ cao, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với loại hạt này. Hãy cùng The Local Beans tìm hiểu từ lịch sử hình thành về cà phê Lâm Đồng cho đến định hướng phát triển ngành nông nghiệp này ngày nay, để hiểu hơn về lịch sử cà phê Việt Nam nhé!

Sơ lược lịch sử cà phê Lâm Đồng

Việc trồng cà phê ở Việt Nam bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 khi người Pháp du nhập loại cây này vào nước ta. Riêng tỉnh Lâm Đồng, thuộc khu vực phía Nam của Tây Nguyên, đã trở thành một trong những vùng trồng cà phê quan trọng nhất cả nước vào những năm 1980. Nhờ điều kiện thời tiết và đất đai thuận lợi, nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng để trồng cà phê. Ngày nay, cà phê Lâm Đồng là một trong những giống cà phê được ưa chuộng nhất ở Việt Nam và ngày càng phổ biến trên toàn cầu.

Lâm Đồng trồng chủ yếu ba loại cà phê Arabica là Bourbon, Typica và Catimor. Nếu phải mô tả sơ lược về hương vị các loại hạt, thì Bourbon với danh hiệu Nữ hoàng cà phê sẽ đem lại trải nghiệm hương vị độc đáo mùi rượu vang, còn Arabica Typica mang đến một cảm giác êm dịu hơn, trong khi đó Arabica Catimor truyền tải vị cà phê đậm đà mùi đất nhất.

cây và quả cà phê lâm đồng

Tìm hiểu chi tiết hơn về Arabica Bourbon (hay còn gọi là Moka), dòng hạt cà có hương vị ngon nhất hiện nay và được đánh giá là có chất lượng ngang bằng với cà phê cùng chủng loại nổi tiếng thế giới. Lịch sử Moka bắt đầu từ thời Pháp thuộc, các nhà truyền giáo đã đưa Moka vào Việt Nam vào năm 1875 và phát triển một số đồn điền trồng Moka. Ngày nay, Moka được trồng chủ yếu ở xã Xuân Thọ và Xuân Trường thuộc huyện Cầu Đất, tỉnh Đà Lạt. 

Sở dĩ chủng cà phê này có tên gọi khác là Moka vì được phát hiện từ cảng Mocha, Yemen từ thế kỷ 13, sau đó, được giao thương tới đảo Bourbon – một hòn đảo nhỏ thuộc Pháp và bắt đầu được người Pháp nhân giống, nuôi trồng từ đó. Moka trồng ở Cầu Đất có vị chua nhẹ với mùi rượu vang và hậu vị ngọt. Loại cà này được mệnh danh là “Bà hoàng của các loại cà phê” nhờ hương thơm quyến rũ đầy lưu luyến và vị ngon mượt mà trên đầu lưỡi.

cây và quả cà phê typica

Typica là dòng cà phê đặc biệt thơm ngon ở Việt Nam, trồng chủ yếu ở xã Xuân Trường và Trạm Hành, huyện Cầu Đất (ngoại ô thành phố Đà Lạt – Lâm Đồng). Hạt cà chủng loại này có chất lượng lẫn hương vị tuyệt hảo, tuy nhiên năng suất thấp và giá thành khá cao. Có một khoảng thời gian, Typica từng bị chặt bỏ hàng loạt để trồng Catimor thay thế, khi giá cà phê trên thị trường giảm sâu. Cho đến nay, sự ảnh hưởng đó vẫn khiến sản lượng hạt cà Typica dần thu hẹp, có nguy cơ bị thay thế bởi chủng Catimor để xuất khẩu ra thế giới. 

hạt cà catimor

Catimor là giống cà phê lai tạo từ hai loại cà Caturra và Timor (Timor lại là sự lai tạo giữa dòng Robusta với Arabica), có nguồn gốc từ Bồ Đào Nha. Bởi đặc tính dễ trồng, năng suất cao và chống chịu sâu bệnh tốt, Catimor dần được trồng thay thế cho các chủng Bourbon và Typica.

Với lợi nhuận kinh tế tương đối cao, chủng cà phê này hiện nay đang được trồng nhiều tại hầu hết các vùng nguyên liệu cà phê lớn trên cả nước như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Trị, Nghệ An, Sơn La. Tuy nhiên, loại hạt cà phê này lại có những hạn chế như phẩm chất nước uống chưa cao, thể chất hạt nhỏ.

Nhìn toàn cảnh thị trường cà phê Việt Nam, ba loại hạt cà thơm của Lâm Đồng xứng đáng được “điểm mặt đặt tên” là loại cà phê ngon nhất cả nước. Xuất phát điểm từ đồn điền tươi tốt ở tỉnh Lâm Đồng cho đến tách cà phê ngon trên tay người tiêu dùng khắp thế giới, những hạt cà phê này mang theo hương vị, truyền thống và cả câu chuyện về văn hóa cà phê độc đáo Việt Nam.

Tại sao cà phê Arabica Cầu Đất, Lâm Đồng được coi là Arabica ngon nhất Việt Nam? 

Lợi thế địa lý, khí hậu phù hợp

Lâm Đồng với địa hình đồi núi và cao nguyên cao trung bình 800 – 1000 m so với mực nước biển, cùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên ở đây quanh năm ôn hòa, mát mẻ. Đặc biệt, lượng mưa nhiều và độ ẩm cao (85% – 87%), kết hợp diện tích lớn đất bazan màu mỡ, đã tạo điều kiện thuận lợi cho cây cà phê.

Từ những lợi thế kể trên, Lâm Đồng sớm trở thành nơi có diện tích trồng cà phê lớn thứ hai cả nước. Toàn tỉnh có 172 000 Ha đất trồng cà phê, cung cấp sản lượng 515.000 Tấn hằng năm. Các địa phương trồng cà phê nổi tiếng là huyện Di Linh, huyện Lâm Hà, huyện Bảo Lâm, huyện Đức Trọng, thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương. Đặc biệt, phải kể đến huyện Cầu Đất thuộc Đà Lạt, nổi tiếng là nơi được thiên nhiên ưu ái cho việc canh tác cà phê. 

Chất lượng hạt Arabica tăng lên khi được trồng tại khu vực có độ cao tăng lên và nhiệt độ giảm xuống. Với độ cao hơn 1500 m so với mực nước biển, cùng với khí hậu lạnh và sương mù hầu hết quanh năm, Cầu Đất đích thị là thiên đường của cây cà phê chè. Cùng với biên độ nhiệt trong năm ở đây không quá chênh lệch (lạnh nhất từ ​​5 độ và cao nhất dưới 33 độ) và lượng mưa trung bình 1562 mm, khiến thời tiết Cầu Đất chủ yếu xuất hiện mây mù và độ ẩm cao (80%).

Kết hợp với vùng đất bazan màu mỡ, Cầu Đất – Đà Lạt có 3 điều kiện vàng để trở thành vùng đất hoàn hảo cho việc trồng và phát triển cây cà phê Arabica, cho ra những sản phẩm chất lượng cao và hương vị đậm đà bậc nhất.

Kinh nghiệm trồng và chế biến cà phê Arabica của người dân địa phương

Cùng với lợi thế về địa lý là kinh nghiệm trong quá trình trồng trọt, thu hoạch và chế biến cà phê của người nông dân Lâm Đồng. Để đảm bảo thu hoạch được hạt cà có chất lượng cao, nông dân phải thực hiện thủ công trong hoạt động hái, lượm hạt. Bên cạnh đó, còn phải quan tâm đến tỷ lệ quả chín tối thiểu là 95% trước khi mang về nhà sơ chế. 

Ngay trong công đoạn thu hoạch từ vườn, hạt cà phê được làm sạch khỏi bụi và các chất gây ô nhiễm, sau đó được hái bằng tay và phân loại thành các cấp độ chín. Các phương pháp chế biến phổ biến nhất được áp dụng ở Cầu Đất là chế biến tự nhiên, chế biến mật ong và chế biến ướt trong nhà kính hoặc phơi nắng tự nhiên. Trước khi đến xưởng rang, hạt cà phê được bảo quản cẩn thận trong túi nilon ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. 

Kinh nghiệm sản xuất của người dân địa phương ở đây được tích lũy theo thời gian, góp phần tạo nên chất lượng vượt trội của cà phê Arabica Lâm Đồng nói chung và hạt cà Cầu Đất nói riêng. Đặc biệt, Arabica Cầu Đất có sự kết hợp độc đáo giữa vị chua thanh và vị đắng nhẹ, khi dùng cảm nhận được hương thơm cà phê đậm đà cùng với mật ong xen lẫn chút ngọt. Những ai đã từng thử qua ly cà phê làm từ loại hạt này sẽ không bao giờ quên được. 

người nông dân và lịch sử hạt cà phê Việt Nam

Định hướng phát triển cà phê Lâm Đồng

Nhận diện được tiềm năng và giá trị cà phê Lâm Đồng, cả chính quyền địa phương và người nông dân đều đặc biệt quan tâm đến việc phát triển ngành cà phê. Họ đã thực hiện quy hoạch sản xuất cà phê từ nhiều năm nay để đồng bộ và tập trung vào chất lượng sản phẩm.

Nông dân Lâm Đồng thực hiện các chủ trương về ổn định diện tích cà phê trong phạm vi 170 000 Ha với 18-20% diện tích trồng hạt Arabica, luôn đảm bảo duy trì năng suất ​​là 3,6 tấn/ha với tổng sản lượng 530 000 – 550 000 tấn. Vì vậy, Lâm Đồng có thể giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về sản lượng cà phê, đồng thời đặt mục tiêu đạt trên 90% sản lượng cà phê đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Về phía địa phương, tỉnh Lâm Đồng đề xuất nhiều kỹ thuật thâm canh để phát triển thêm vùng chuyên canh cà phê đạt tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ nông dân, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ. Bên cạnh đó, luôn sẵn sàng mở rộng hợp tác quốc tế để quảng bá sản phẩm cà phê và thu hút nguồn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh tín hiệu tích cực từ sự phổ biến của cà phê Lâm Đồng, các nhà sản xuất cà phê địa phương còn phải đối mặt với một số thách thức, bao gồm biến đổi khí hậu, sâu bệnh, làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng hạt. Các vấn đề về sự thay đổi thất thường của thời tiết và dịch bệnh có thể tàn phá toàn bộ cây trồng, ảnh hưởng sâu sắc đến sản lượng nông nghiệp và nguồn sinh kế của người trồng cà phê.

Chính vì vậy, bên cạnh phát triển sản xuất, cả chính quyền và người dân tỉnh Lâm Đồng cần quan tâm đến yếu tố bảo vệ môi trường lẫn phát triển bền vững, góp phần xây dựng một hệ sinh thái cà phê chất lượng hơn.

Thông qua bài viết trên, The Local Beans đã giới thiệu cho quý khách hàng các thông tin lịch sử hình thành về cà phê Lâm Đồng lẫn một số đặc điểm của các giống cà nơi đây, hay định hướng phát triển toàn ngành khu vực này nói chung. Nếu muốn tìm hiểu thêm về lịch sử cà phê Việt Nam, hãy tham khảo các bài viết về chủ đề này cùng Beans nhé!