
Blog / Bài Viết
BẠC TẨY XỈU PHÉ và cái tình người Sài Gòn Xưa!
Nói về cà phê địa phương, không chỉ Sài Gòn, mà dọc chiều dài của đất nước hình chữ S này, đâu đâu cũng rất quen thuộc với cái tên Bạc Xỉu. Có nhiều nơi còn gọi là "Bạc Sỉu" hay "Bạc sửu" do cách nhận định phiên âm khác nhau.
Thật ra, món đồ uống NHIỀU SỮA và ÍT CÀ PHÊ này có nguồn gốc từ những khu người Hoa tại đất Sài Gòn rất lâu về trước, khi mà Những hàng quán cà phê vỉa hè chỉ phục vụ cho tầng lớp bình dân và người lao động nghèo. Đối với họ, sữa tươi là một món hàng đắt đỏ, và sữa đặc pha cùng nước nóng trở thành một phương pháp thay thế với đại đa số người bán cà phê.
"BẠC - màu trắng, TẨY - cái ly, XỈU - một chút, PHÉ - Cà phê" là tên gọi của món uống mà bây giờ chúng ta vẫn gọi ngắn gọn "Bạc Xỉu".
Mang cái tên thân thương như vậy, Bạc xỉu sau bao năm tháng vẫn giữ cho mình một vị trí bất di bất dịch trong thực đơn của đại đa số những cửa hàng cà phê lớn nhỏ. Mặc cho thời gian có nhiều đổi thay, nguyên vật liệu pha chế trở nên đa dạng, những thức uống được làm phức tạp hơn, cầu kì hơn theo sự phát triển của các trang thiết bị, máy móc... Bạc xỉu vẫn ở đấy, trong tiềm thức của rất nhiều người yêu mến cà phê Việt Nam. Trở thành một thức uống được yêu thích của nhiều độ tuổi, hay cũng là một phương án an toàn nếu phải phân vân không biết chọn gì đối với một Thực Đơn quá dài và lạ lẫm. Nói như vậy để thấy rằng, vị trí và vai trò của Bạc Xỉu trong câu chuyện Văn Hoá Thưởng Thức Cà Phê quan trọng như thế nào.
Nhân tiện nói về người Sài Gòn Xưa và những giá trị văn hoá phi vật thể đã làm nên nét đặc trưng của thành phố này, Beans có đọc được một bài viết tổng hợp về cách phân biệt vai trò, công việc của từng nhóm người trong xã hội Sài Gòn ngày trước dựa trên các con số từ HAI đến CHÍN rất là thú vị. Trong đó, TÁM là từ dành riêng cho giới bình dân, tầng lớp lao động. Khác với những
- HAI - thường để chỉ người có học hoặc làm việc trong các công sở. Ví dụ "thầy Hai thơ ký", "thầy Hai thông ngôn".
- BA: để nói về giới thương gia người Hoa, tạo thành một thế lực có uy tín và đáng nể. Nghe gọi "chú Ba" thì biết ngay đó là người Hoa.
- TƯ: thường dùng khi nói về các đại ca trong giới giang hồ, tuy kiếm sống bằng nghề đâm chém nhưng không hề thiếu đi nghĩa khí. Người Sài Gòn gọi đó là "anh Tư dao búa" nhưng ai cũng có thiện cảm với các Anh Tư.
- NĂM: để chỉ giới lưu manh móc túi, cò mồi, "anh Năm đá cá lăn dưa"...
Đa dạng tầng lớp như vậy, nhưng nhắc đến TÁM là sẽ thấy thân thương ngay. Bởi vì TÁM là đại diện của những con người không được học nhiều như Thầy Hai, không giàu có như Chú Ba, anh Bảy, bặm trợn như Anh Tư, anh Năm...v.v. nhưng họ hiền hậu và chân chất. Họ mặc định mình yếu thế hơn tất cả, cuộc sống vất vả hơn tất cả, đối diện với khó khăn nhiều hơn tất cả, nhưng mỗi khi thấy một ai gặp khó khăn, thấy một ai cần sự giúp đỡ họ đều: "Bỏ qua đi Tám".
Bỏ qua là để không cảm thấy áp lực khi phải gánh chịu một gánh nặng. Bỏ qua là để lạc quan tin rằng:"dù điều gì xảy ra đi chăng nữa, việc của mình là tiếp tục những công việc vẫn còn dở dang". "Bỏ qua đi Tám" nghe đơn giản như một câu khuyên bảo, nhưng lại là câu nói động viên, khích lệ những người đang trong hoàn cảnh khó khăn. Đáng quý hơn nữa khi câu nói được xuất phát từ tầng lớp bình dân nhất của xã hội bấy giờ.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Từ hôm nay, tại The Local Beans, chúng mình đã bắt đầu bán BẠC XỈU đóng chai với dung tích 250ml, sản phẩm này phù hợp với những ai không uống được quá nhiều Cà-Phê-In cùng một lúc. Ngọt ngọt, béo béo, rất thơm và đủ tỉnh táo cho một ngày vật lộn cùng công việc, Bạc Xỉu là một lựa chọn đáng để cân nhắc trong giai đoạn hạn chế đi lại như thế này.
Bài viết hơi dài, có điều gì không đúng, Thôi mình bỏ qua Tám nghen.
Chúc mọi người có một tuần mới làm việc thật hiệu quả. Cần gì cứ nhắn. Beans Cảm ơn!
