Giỏ hàng hiện tại chưa có sản phẩm nào!
Lịch Sử Cafe Việt Nam Và Hành Trình Ghi Dấu Trên Bản Đồ Cà Phê Thế Giới
Lịch sử cafe Việt Nam bắt đầu bằng sự du nhập cây cà phê vào năm 1857, bởi thực dân Pháp. Từ đây, loại hạt này đã thích ứng và phát triển mạnh mẽ, dần trở thành cây trồng nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao thứ hai, sau lúa gạo. Hãy cùng The Local Beans tìm hiểu về lịch sử cà phê với một số cột mốc đặc trưng, cũng như quá trình du nhập và phát triển của cà phê vào Việt Nam.
Khởi nguồn của cây cà phê ở Việt Nam
Việt Nam là một quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, với đặc điểm khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới gió mùa, nơi đây có điều kiện thổ nhưỡng cùng thời tiết thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, đặc biệt đối với lúa nước và cây cà phê. Sau hơn một thế kỷ xuất hiện tại đây, giá trị kinh tế cà phê cộng hưởng với niềm đam mê cùng phong cách thưởng thức đã tạo nên bước ngoặt thời cuộc cho văn hoá cà phê Việt Nam.
Người Pháp mang nhiều hơn hai loại cà phê đến Việt Nam
Cà phê được giới thiệu lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1857, bởi một linh mục Công giáo người Pháp, ban đầu ông mang cây Arabica (cà phê chè) đến miền Bắc Việt Nam với mục đích thành lập một doanh nghiệp quy mô nhỏ. Cà phê thời điểm này được trồng thử nghiệm tại nhiều nhà thờ Công giáo ở các tỉnh phía Bắc như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, sau đó lan sang một số tỉnh miền trung như Quảng Trị, Quảng Bình.
Cuối cùng, cà phê được đưa đến các tỉnh phía Nam của Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Kết thúc chuyến hành trình, người ta nhận ra Tây Nguyên là địa điểm thích hợp nhất để trồng cà phê, bởi lợi thế về đất đỏ và khí hậu phù hợp tại nơi đây. Ban đầu, nông dân trồng nhiều cà phê chè trên vùng đất Tây Nguyên, nhưng trong quá trình sinh trưởng, loại cây giống này bị bệnh gỉ sắt và dần thoái hoá.
Sau đó, vào năm 1908, người Pháp mang hai loại cà phê khác đến Việt Nam là Robusta (cà phê vối) và Excelsa (cà phê mít), nhằm thay thế hạt cà Arabica. Không dừng lại tại đó, nhiều thương nhân ngoại quốc đã đưa vào Việt Nam nhiều giống cà thơm khác nhau, thu lại sự phát triển rất tốt về mặt trồng trọt.
Với khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi đã cung cấp điều kiện trồng cà phê tối ưu, cây trồng phát triển mạnh mẽ và diện tích đất canh tác ngày càng tăng. Mặc dù năng suất cà phê ở nước ta thời kỳ này còn thấp, chưa đủ cơ sở để so sánh với những quốc gia phát triển về ngành cà phê khác, song nhờ được trồng ở độ cao 400 – 500m nên cà phê Việt Nam được đánh giá là có chất lượng thơm ngon, đậm đà.
Sự mở đầu này đã tạo tiền đề cho danh tiếng của Tây Nguyên ngày nay, biết đến là khu vực cung cấp cà phê Robusta lớn nhất nước ta cả về quy mô sản lượng lẫn chất lượng thượng hạng.
Công cuộc cải cách và bước nhảy vọt về sản lượng
Bước ngoặt 1986 dành cho lịch sử cafe Việt Nam
Từ những năm 1960 – 1970 ở miền Bắc Việt nam, hàng loạt nông trường quốc doanh trồng cà phê (cả 3 loại chè, vối, mít) được thành lập. Nhưng tình hình phát triển của cây cà phê cũng không mấy tiến triển và đến đầu thập niên 70 người ta đã kết luận không trồng được cà phê ở phía Bắc.
Lịch sử cà phê Việt Nam có một khoảng thời gian chững lại bởi cuộc chiến tranh Việt Nam, hoạt động sản xuất cà phê đa số bị gián đoạn. Sau Giải phóng 1975, ngành cà phê nói riêng và các ngành nông nghiệp khác nói chung được quốc hữu hóa, hạn chế hợp tác của các doanh nghiệp tư nhân dẫn đến sản lượng thấp.
Năm 1982, theo Nghị định 174 của Hội đồng Bộ trưởng, tổ chức Liên hiệp các xí nghiệp cà phê Việt Nam được thành lập với sự tham gia của 3 sư đoàn quân đội và một số công ty thuộc Bộ Nông nghiệp quốc gia (chủ yếu là các địa phương Đắk Lắk, Gia Lai – Kon Tum) Chương trình phát triển cà phê được xây dựng và mở rộng trên các tỉnh Tây nguyên cùng Đông Nam bộ. Loại cây được chọn để tập trung tăng diện tích canh tác là hạt cà Robusta – giống cà phê ưa khí hậu nóng ẩm và ít bị bệnh gỉ sắt.
Đến năm 1986, diện tích sản xuất cà phê cả nước ngày càng tăng, nhưng phát triển không nhanh, cũng như sản lượng chưa cao. Trên toàn bộ lãnh thổ nước ta, tổng diện tích vùng sản xuất cà phê chỉ khoảng 50.000 ha và khối lượng sản xuất là 18.400 tấn (chỉ hơn 300.000 bao 60 kg). Từ thực tế đó, Chính phủ Việt Nam đã tập trung nguồn lực đầu tư vào ngành cà phê, hướng tới nâng tầm cà phê thành ngành công nghiệp mũi nhọn. Ngoài các vùng canh tác của nhà nước, chính quyền khuyến khích các nông hộ trồng cà phê.
Kết quả là sản xuất cà phê của Việt Nam phát triển vượt bậc cả về diện tích, sản lượng và giá trị xuất khẩu. Trong giai đoạn này, nhiều công ty sản xuất và kinh doanh cà phê được thành lập như Trung Nguyên (năm 1996) và Highlands Coffee (năm 1998). Theo Tổ chức cà phê Quốc tế, trong 30 năm (từ 1986 đến năm 2016) sản lượng cà phê tại Việt Nam đã tăng gần 100 lần, từ 18.400 tấn năm 1986 lên 900.000 tấn năm 2000 và đạt 1,76 triệu tấn trong năm 2016. Trong đó có từ 90% đến 95% sản lượng được xuất khẩu hàng năm.
Cà phê Việt, sau hơn một thế kỷ
“Trái lành, quả ngọt” của ngành cà phê Việt
Trải dài qua một quá trình lịch sử trên đất nước Việt Nam, cuối cùng cây cà phê đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường, cùng với sự trở mình mạnh mẽ, thoát khỏi định chế bao cấp. Cà phê trở thành một trong những cây trồng nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao, đem lại lợi nhuận kinh tế và cơ hội việc làm cho nông dân nước ta.
Riêng đối với vùng đất Tây Nguyên, nơi hội tụ điều kiện thuận lợi cả về sinh thái lẫn đất đai, thích hợp nhất để cây cà phê sinh trưởng và phát triển. Giống cà phê đặc sản Robusta tại đây đã trở thành biểu tượng và là niềm tự hào của Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Vào cuối những năm 1990, Việt Nam đã trở thành nhà sản xuất cà phê hàng đầu Đông Nam Á với danh tiếng về chất lượng đặc biệt. Tuy nhiên, Việt Nam chủ yếu tập trung vào hạt Robusta, loại hạt này chiếm 92,9% tổng diện tích trồng cà phê. Giống Arabica chỉ chiếm dưới 5% trong toàn bộ sản lượng của ngành này.
Sản xuất cà phê Việt Nam tăng trưởng từ 20% - 30% mỗi năm trong suốt những năm 1990. Một số nguyên nhân cho sự phát triển này, phải kể đến như:
- Thực hiện tốt chủ trương giao đất cho nông dân canh tác;
- Giá cà phê trên thị trường tăng cao trong năm 1994 và giai đoạn 1996 – 1998;
- Chính sách định canh định cư đã khuyến khích người dân đồng bằng di cư lên sinh sống và thâm canh cà phê ở vùng Tây Nguyên.
Việc thâm canh cà phê trên quy mô rộng diễn ra điển hình nhất ở khu vực Tây Nguyên. Hầu hết các vườn cà phê mới trồng trong giai đoạn này là cà phê Vối. Tỉnh Đăk Lăk có diện tích cà phê lớn nhất Việt Nam và sản lượng cà phê của Đắk Lắk chiếm gần một nửa tổng sản lượng cà phê toàn quốc.
Những năm gần đây, Chính phủ đã ra quyết định ổn định diện tích trồng cà phê ở mức 500.000 Ha nhằm tránh hệ lụy phá rừng tự phát để trồng cà phê khi giá lên cao. Hiện nay, Việt Nam có lượng xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới, chiếm khoảng 14% thị phần toàn cầu.
Chìa khóa thành công của ngành cà phê Việt Nam
Yếu tố đầu tiên là tập trung vào các giống Robusta. Loại hạt này có mức giá thấp hơn so với cà phê Arabica, bên cạnh đó Robusta còn dễ trồng vì chi phí sản xuất thấp và có khả năng kháng nhiều loại sâu bệnh hơn cà phê chè. Tuy có lợi thế về mặt canh tác, cùng số lượng hàng triệu tấn xuất khẩu mỗi năm, nhưng chưa thể bù lại khiếm khuyết về chất lượng cà phê nói chung, khi chỉ tập trung vào giống Robusta. Chính vì vậy, cà phê vối chủ yếu được trồng và chế biến nhằm mục đích phục vụ thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ đề ra các chính sách về đất đai lẫn nông nghiệp có lợi cho sản xuất và chế biến cà phê, khuyến khích người nông dân tham gia vào chuỗi xây dựng giá trị cà phê, đã góp phần thúc đẩy sự thành công của loại hạt này ở Việt Nam. Từ đây, tạo nền tảng đưa ngành cà phê của nước ta có tiềm năng xuất khẩu mặt hàng này lớn thứ hai trên thế giới, một xu hướng mà nhiều quốc gia khác có thể học hỏi.
Trong một nghiên cứu có tựa đề “Câu chuyện cà phê Việt Nam: Bài học cho các nước châu Phi” được thực hiện bởi các chuyên gia CIFOR-ICRAF – Esther Kamwilu, Peter A Minang, Joseph Tanui, Đỗ Trọng Hoan, đã đưa ra kết luận rằng: “Sự tăng trưởng theo cấp số nhân của ngành cà phê ở Việt Nam là nhờ sự phát triển thành công về con người, chính sách, nguồn lực và công nghệ. Sự tăng trưởng này còn nhờ vào việc mở rộng diện tích cà phê, thời tiết thuận lợi trong những vụ trước, đầu tư vào sản xuất bền vững, tăng diện tích phục hồi và ổn định giá cả trong giai đoạn 2014-2015”.
Từ năm 1857 đến nay, cà phê đã và đang tạo ra nhiều lợi ích kinh tế và giá trị văn hoá Việt Nam. The Local Beans mong rằng đã bổ sung một nguồn thông tin hữu ích cho quý khách hàng yêu thích hạt cà thơm và mong muốn tìm hiểu về lịch sử cafe Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Nguồn tham khảo:
- https://dacco.vn/lich-su-ca-phe-viet-nam/